HỆ THỰC VẬT VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ

Theo danh mục thực vật đã được thu thập mẫu và kết quả điều tra bổ sung năm 2008, cho tới nay Vườn Quốc gia Ba Vì có 1201 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 649 chi và 160 họ. như vậy, qua kết quả nghiên cứu mới nhất đã khẳng định sự phong phú đa dạng loài thực vật của vườn. So với kết quả điều tra năm 1998, số họ thực vật phát hiện mới tăng 61 họ, số chi tăng 177 chi và số loài tăng 389 loài.

Nét riêng của vùng cao Ba Vì là tuy cùng nằm trong vùng có hệ thực vật bản địa của Việt Nam – Nam Trung Hoa như một số nơi khác nhưng ảnh hưởng của độ cao, số loài thuộc các họ phân bố chủ yếu ở á nhiệt đới và ôn đới nhiều hơn . Đáng chú ý là ở đây đã có tới 5 chi 5 loài thuộc họ Đỗ quyên (Ercaceae), 6 loài thuộc họ Chè (Theacae), 3 chi  19 loài thuộc họ Dẻ (Fagaceae) nhiều hơn số chi cùng họ ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nơi có diện tích lớn gấp 10 lần. Ngược lại số chi có loài thuộc các họ phân bố chủ yếu ở nhiệt đới như họ Dầu (Dipterocapaceae) lại tồn tại tương đối ít ở vùng cao Ba  Vì.

Nhiều loài phân bố phổ biến ở đây như : Giổi Nhung (Michelia faveolata), Giổi lá bạc (Michelia cavalcria), các loài họ Đỗ Quyên (Ericaceae), chè thơm (Annesla fragrans), Hoa tiên (Asarum maximum), Mắc niễng bạc (Eberbardtia aurata), Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia) Dẻ đấu nứt (Castanopsis fissa), Chẹo lông (Engelbardtia spicata)… chỉ gặp ở các vùng cao Tam Đảo (Vĩnh Phú), SaPa ( Lào Cai), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế ), Sốp Cộp (Sơn La), Hoàng Su Phì ( Hà Giang), trong khi các loài phổ biến trong các kiểu rừng kín ẩm nhiệt đới như: Chò xanh thuộc họ Bàng (Combretaceae), Chò chỉ, Chò nâu, Táu ruối, Táu nước, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae) lại không tồn tại mặc dầu có thể gặp chúng ở đai thấp 600m trở xuống: Những đặc điểm trên đã phản ánh rõ nét rừng đai cao  Ba Vì gồm nhiều thực vật thuộc đai á nhiệt đơí núi thấp.

 

Tham gia vào thành phần thực vật ở đây còn có một loài thực vật tàn di (Hoá thạch sống) của Kỷ Đệ Tam, qua thời kỳ băng hà còn sót lại như: Các loài Quyết thân gỗ: Cibotium barometz(L).J.Sm ; Gymnosphaera gigantea(Wall. ex Hook) và các loài thực vật hạt trần Calocedrus macrolepisPodocarpus neriifolius  D. Don, Cepbalotaxus mannii Hooker, Amentotaxus … làm tăng thêm tính đa dạng và phong phú của hệ thực vật .

 

Cây gỗ quí hiếm: 

 

Có 18 loài, điển hình là:

1.     Bách xanh : Calocedrus macrolepis

2.     Thông tre :    Podocarpus neriifolius

3.     Sến mật  : Madhca pasquieri

4.     Giổi lá bạc :  Michelia cavaleriei

5.     Phỉ ba mũi : Cephalotaxus manii

6.     Dẻ tùng sọc trắng:  Amentotaxus oliver

7.     Vàng tâm : Magliatia fordiana

8.     Trầm : Aquylaria crassna Pierre

9.     Lát hoa: Chukrrasia tabularis

10.  Re hương: Cinnamomuum incrs Reinw

11. Vù hương: Cinnamomuum balansae  Lec

12.  Mắc liễng: Eberhardtia tonkinensis

13.  Lim xanh: Erythrofloeum fordii II.Lec

14.  Đinh thối: Hernandia  brilletti  Steenis

15.  Táu mặt quỷ: Hopea sp

16.  Thiết đinh: Markhamia stipullata Seem

17.  Giổi xanh: Michelia mediocris Dandy

18.  Giổi găng: Paramichelia baillonii (Pierre) Hu

 

Thực vật đặc hữu Ba Vì có 8 loài :

1.     Mua Ba Vì : Allomorphia baviensis

2.     Thu hải đường Ba Vì   : Begonia  baviensis

3.     Xương cá Ba Vì    : Tabernaemontana baviensis

4.     Cau rừng Ba Vì : Pinanga baviensis

5.     Lưỡi vàng làng cò  : Lasianthus langkokensis

6.     Sặt Ba Vì: Fargesia baviensis

7.     Mỡ Ba Vì: Maglolia baviensis

8.     Cói túi Ba Vì (Kiết Ba Vì):  Carex  bavicola Raym..

 

Thực vật mang tên Ba vì: 2 loài

1.    Cà lồ Ba Vì :  Caryodaphnopsia baviensis

2.    Bời lời Ba Vì: Litsea baviensis

 

Thực vật cây thuốc:

Thực vật cây thuốc Vườn Quốc gia Ba Vì có tới 503 loài thuộc 118 họ, 321 chi chữa 33 loại bệnh và chứng bệnh khác nhau trong đó có nhiều loài thuốc quý như: Hoa tiên (Asarum maximum), Huyết đằng (Sargentodoxa cuneata), Bát giác liên (Podophyllum tonkiensis), Râu hùm (Tacca chantrieri), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria)…

 

Tài nguyên rừng

 1. Diện tích các loại rừng

Tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia Ba Vì tại thời điểm điều tra là 10.782,7 ha, trong đó diện tích đất có rừng của Vườn hiện nay là 8.192,5 ha; chiếm 75,98% tổng diện tích tự nhiên toàn Vườn. Trong đó:

– Rừng tự nhiên 4.200,5 ha;chiếm 51,27% diện tích đất có rừng.

– Rừng trồng 3.992 ha, chiếm 48,73 % diện tích đất có rừng.

Diện tích đất có rừng phân bố nhiều nhất tại xã Ba Vì với 1.407,0 ha. Diện tích rừng trung bình trạng thái IIIA2, IIIB) và rừng nghèo (trạng thái IIIA1) tập trung khu vực núi Ba Vì với 883,9 ha.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn rừng phục hồi với diện tích 1.071,5 ha, phân bố chủ yếu ở xã Yên Quang với 514,6 ha.

2. Trữ lượng các loại rừng

Theo số liệu tham khảo kết phân chia 3 loại rừng năm 2005 của Viện Điều tra quy hoạch rừng và kết quả phúc tra tại thực địa năm 2008, Trữ lượng các loại rừng VQG Ba Vì được tính toán và tổng hợp như sau:

Tổng trữ lượng gỗ của Vườn là 309,616 ngàn m3; trong đó trữ lượng rừng tự nhiên là 221,868 ngàn m3; rừng trồng là 87,748 ngàn m3.

Rừng gỗ tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các xã Ba Vì, Vân Hòa, Khánh Thượng. Rừng tre nứa có 1.041,3 ngàn cây; phân bố chủ yếu ở các xã Ba Vì, Vân Hòa và một ít ở xã Tản Lĩnh, Ba Trại.

Trong tổng số 3.992,0 ha rừng trồng thì có 1.694,0 ha là rừng trồng ở cấp tuổi 1 chưa có trữ lượng. Rừng Keo và Bạch đàn tuổi 2 có trữ lượng 87,748 ngàn m3; tập trung ở các xã Ba Vì, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Phú Minh.

 

  Đặc điểm các kiểu thảm thực vật rừng

 

Thảm thực vật ở khu vực vườn quốc gia Ba Vì gồm có 3 kiểu chính:

 

1. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp

Đây là một quần thể nguyên sinh bị tác động nhẹ nhưng do được bảo vệ trong thời gian dài, rừng đã trải qua diễn thế hồi nguyên, nên đến nay hình thái và cấu trúc vẫn mang sắc thái một quần thể nguyên sinh. Kiểu thảm thực vật này phân bố chủ yếu trên các hệ thống dông mái núi của các dẫy núi sau đây:

Ngọc Hoa – Tản Viên – Đỉnh Vua

Đỉnh Vua – Đỉnh 1200m – 1189m- 1060m và 969m (hệ thống dông phía tây của đỉnh Vua)

Ngọc Hoa – đỉnh 1021m và 765m (Dải dông phía tây và và đông bắc Ngọc hoa).

Từ 700m trở lên thuộc núi Viên Nam, Vua Bà

 

   Hình thái và cấu trúc: Loài ưu thế sinh thái là các loài cây thuộc khu hệ thực vật đệ tam đặc hữu bản địa Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam. Những họ tiêu biểu gồm: họ dẻ (Fagaceae), họ re (Lauraceae), họ trúc đào (Apocynaceae). Kiểu có cấu trúc đơn giản rừng chỉ có 2 tầng không có tầng vượt tán, quần thụ gồm những cá thể tương đối tròn trịa, rất hiếm thấy cây có bạnh vè kể cả những cây có tầm vóc to lớn như Dổi (Michelia sp), Sến (Madhuca pasquyeri). Tầng ưu thế sinh thái đồng thời cũng là tần cây cao nhất . Cả 2 tầng rừng gồm những loài với tỷ lệ cá thể như sau: Giẻ, sồi (Lithocarpus sp, Quercus conrneys) chiếm 14%; Re, Bời lời Ba Vì (Cinamomum, Litsea baviensis) chiếm 7%; Cồng sữa (Eberhartia tonkinensis) chiếm 6%; Nóng (Saurauia tristyla) chiếm 6%; Trâm (Syzygium sp) chiếm 6% ở đai rừng á nhiệt đới còn có 2 kiểu phụ chính sau đây:

 

1.1. Rừng rêu ( Rừng cảnh tiên)

Rừng rêu là một kiểu phụ thổ nhưỡng của đai rừng á nhiệt đới ẩm. Kiểu thảm này phân bố chủ yếu ở đỉnh Vua và một ít ở đỉnh Tản Viên. Thảm rừng phát triển trên nền đất Feralit vàng nhạt á nhiệt đới điển hình, tầng đất mỏng phát triển trên đá pocphirit độ dốc lớn, có đá nổi, tầng mùn khá dầy (15-20cm), đất chua PH = 4- 4,5). Loài cây ưu thế trong quần thụ khá rõ rệt điển hình là những loài cây thuộc họ Dẻ (Fagaceae) chiếm tỷ lệ cá thể 66% trong đó Sồi (Lithocarpus sp) chiếm 21%, Dẻ cau (Quercus platycalyx) 13%, Dẻ gai (Castanopsis tonkinnesis) 11%, Dẻ lá đào (Lithocarpus sp) 8%, rồi đến các loài trong họ Re (Lauraceae) chiếm 12%, các loài Đỗ quyên (Enkianthus pieris và Rhododendron) họ Ericaceae chiếm 11% và các loài trong họ Côm (Elaeocarpaceae) chiếm 5%.

 

1.2. Rừng thưa á nhiệt đới

Quần thể rừng này do hoạt động chặt chọn của con người từ xa xưa đến nay do được bảo vệ trong thời gian dài nhưng tán rừng vẫn ở tình trạng bị phá vỡ mất hẳn tính chất liên tục vốn có của nó độ tàn che 0,3-0,4, ở những khoảng tán rừng bị phá vỡ thường là những đám rừng, những vạt cây trong họ phụ tre nứa (Bambusaceae) chủ yếu là giang (Dendrocalamus). Kiểu thảm rừng này phân bố ở các sườn núi, dưới các kiểu rừng nguyên sinh, nơi có địa hình khá dốc 40-450, trên đất Feralit vàng nhạt trên núi trung bình, tầng đất mỏng phát triển trên đá Pocphirit, tầng mùn dầy 15-20cm, đất chua Ph = 4-4,5. Tỷ lệ cá thể những loài cây ưu thế cũng không rõ ràng, chủ yếu gồm các loài thuộc họ sau: Trâm (Myrtaceae) chiếm 5%, Bời lời Ba Vì, Bời lời lá tròn thuộc họ Lauraceae chiếm 5%, Sồi thuộc họ Fagaceae chiếm 4%, Phân mã (Mimosaceae) chiếm 4%…

 

2. Kiểu rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim á nhiệt đới núi thấp

Đây là kiểu phụ miền thực vật thân thuộc với khu hệ bản địa Nam Trung Hoa- Bắc Việt Nam và khu hệ di cư Hymalaya-Vân nam-Quý Châu.

Từ độ cao 900m trở lên ta đã thấy lác đác có những cá thể loài cây Bách xanh (Calocedrus macrolepis) trong nghành phụ hạt trần (Gymnospermae) xuất hiện càng lên cao tần xuất xuất hiện ngày càng tăng, và cuối cùng Bách xanh trở thành một trong những loài ưu thế của ưu hợp Bách xanh+Dẻ+Re+Giổi+Mỡ. Kiểu rừng này đều phân bố ở phần đỉnh sườn phía tây của 3 đỉnh Ngọc Hoa, Tản Viên và Tiểu Đồng, kiểu thảm này phát triển trên loại đất Feralit vàng nhạt trên núi trung bình tầng đất mỏng, phát triển trên đá Pocphirit độ dốc >350 có nơi dốc 60-700 và có nhiều đá tảng. Về cấu trúc kiểu rừng này cũng có 2 tầng: Tầng trên là loài Bách xanh (Calocedrus macrolepis) xen lẫn với những loài trong họ re (Lauraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Mộc lan (Magnoliaceae). Tầng dưới tán có những loài dương sỉ thân gỗ (Cyalthea podophylla), những chi thuộc họ Re (Lauraceae) như: (Phoebe, Lisea, Lindera), những loài thuộc họ Sim (Myrtaceae) … Dây leo ít gồm các chi Strychnos, Fissitigma và Desmos. Cây phụ sinh thấy nhiều trên cành nhánh các thân gỗ đó là các loài trong họ phong lan (Orchidaceae) trong đó có loài kim hoàng thảo trong chi Dendrobium.

 

3. Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp

Theo luận điểm quần hệ sinh thái phát sinh thì ở đai khí hậu nhiệt đới này ở thời kỳ xa xưa vốn là ưu hợp của những loài cây trong các họ ưu thế như: họ Re (Lauraceae) + họ Dẻ (Fagaceae)+ họ Dâu tằm (Moraceae) + họ Mộc lan (Magnoliaceae)+ họ Đậu (Leguminoceae)+ họ Xoài (Anacardiaceae)+họ Trám (Burceraceae)+ họ Bồ hòn (Sabindaceae)+ họ Sến (Sapotaceae). Nhưng trải qua quá trình chặt chọn những cây gỗ tốt làm vật liệu xây dựng của người dân địa phương và chặt phá làm nương rẫy bởi thế đai rừng nhiệt đỡi này đã bị mất hoàn toàn quần thể thành thục mà chỉ còn những kiểu phụ nhân tác sau đây:

 

3.1. Rừng thưa nhiệt đới

Kiểu thảm thực vật này phân bố đều khắp ở vành đai độ cao 400m-700m xung quanh sườn núi Ba Vì, rừng phát triển trên loại đất Feralit vàng đỏ có mùn trên núi thấp, tầng đất mỏng có nơi tầng đất trung bình phát triển trên đá Pocphirit độ dốc cao bình quân 26-350, tầng mùn mỏng xói mòn mạnh tỷ lệ đá lẫn cao độ chua lớn.

            Hình thái và cấu trúc: Mặc dù đã được bảo vệ trong thời gian dài, song đến nay kiểu thảm này vẫn chỉ là một kiểu rừng thưa, tầng tán đã bị phá vỡ, mất hẳn  tính liên tục vốn có của nó với độ tàn khe 0,4-0,5 khái niệm về tầng của rừng gỗ chỉ được biểu hiện ở những đám, những vạt lâm phần gỗ mọc tập chung. Dưới tán cây gỗ có những loài dây leo thân gỗ, cây phụ sinh thắt nghẹt khá nhiều thuộc nhiều họ khác nhau, những cây dương sỉ phụ sinh, những loài phong lan phụ sinh, những cây họ môn, ráy bán phụ sinh, nhiều loài khác nhau thường mọc dầy trên cành nhánh, trên thân già những cây cổ thụ, những loài trong các chi của họ dừa (Pamaceae) mọc dưới tán rừng. Ngoài ra dưới tán rừng còn có những loài cây thuộc họ phụ tre nứa (Bambusaceae) chủ yếu là giang (Dendrocalamus) mọc thành bụi hay đám hạn chế sự tái sinh của các loài cây gỗ.

Do điều kiện khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho điều kiện sinh trưởng phát triển của nhiều loài, nhiều họ nên tổ thành cây gỗ ở kiểu thảm rừng này rất phức tạp không thể hiện rõ tính chất ưu thế như ở vành đai á nhiệt đới, tỷ lệ % cá thể từ lớn đến nhỏ có các loài trong các họ sau:Trâm (Syzygium sp) chiếm 7,1%; Đa (Ficus sp) chiếm 5,3%; Cà lồ Ba Vì (Caryodaphnopsis baviensis) chiếm 5%; Nóng (Saurauia trystyla) chiếm 4,4%; Bời lời Ba Vì (Lisea baviensis) chiếm 4,3%; Kháo lá lớn (Phoebe cuneata) chiếm 4%; Thừng mực (Wrightia annamensis) chiếm 4,1%; Sồi  (Lithocarpus sp) chiếm 3,5%.

Những loài cây có giá trị kinh tế ở kiểu thảm này phải kể đến: Trương vân, Gội, Sến… nhưng số cá thể xuất hiện khôngnhiều.

 

3.2. Rừng tre nứa

Sự hiện diện của quần thể rừng giang là do hậu quả của quá trình khai thác lạm dụng quá mức hoặc quá trình đốt phấ rừng gỗ để làm nương rẫy của người dân sống xung quanh núi. Giang thường phát triển thành bụi dầy đặc xếp chồng lên nhau tạo thành một tán kín và thấp hạn chế khả năng tái sinh của mọi loài cây gỗ.

 

3.3. Rừng phục hồi

Đây là một quần thể xuất hiện sau nương rẫy đã bỏ hoá đất vẫn còn tốt, loại thảm này phân bố khá tập trung ở quanh khu cốt400m và trên đường từ cốt400m sang cốt600. Quần thể này với hình thái cấu trúc đơn giản với một tầng tán cây gỗ khá đồng đều một loại rừng đồng tuổi và gồm những loài cây tiên phong như ba soi (Macaranga denticulata), Hu đay (Trema angustifolia), Ba bét (Mallotus apella), quần thể có đường kính nhỏ 8-10cm chiều cao thấp 8-10m mật độ tương đối dầy, ngoài ra còn gặp những loài cây sau: Muối (Rhus chinensis), màng tang (Litsea citrata), Ngoã lông ( Ficus julva), cò ke (Grewia paniculata), Thôi ba (Alangium sinesis). Đây là một kiểu thảm rừng đang diễn thế, nếu được bảo vệ tốt có thể hồi nguyên trở về kiểu phụ miền hay kiểu phụ thổ nhưỡng nguyên sinh.

 

3.4. Rừng trồng

            Các loài cây chủ yếu gồm: Keo, Thông, Long não, Giổi, Muồng đen, Trám, Xấu, Nhội, Sến… Cây sinh trưởng tốt chủ yếu trồng ở sườn và chân dẫy núi Ba Vì.
♦ Add: Tản Lĩnh - Ba Vì - Hà Nội
♦ Hotline: 0966173119
♦ Facebook: Vườn Quốc gia Ba Vì
♦ Email: bavinp.tour@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *