Đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên- Vườn quốc gia Ba Vì

Đền thờ Bác Hồ

Đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại đỉnh Vua – VQG Ba Vì là một phần trong việc thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào ngày 19 tháng 8 năm 1989, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị TW Đảng cộng sản Việt Nam khóa 6 đã ra thông báo số 151 “Thông báo về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau 20 năm Bác qua đời, Bộ chính trị, ban chấp hành TW Đảng khóa 6 thấy có trách nhiệm thông báo tới toàn Đảng, toàn dân sự thật về một số vấn đề liên quan đến di chúc của Bác và ngày Bác qua đời. Thông báo số 151 thông báo cho chúng ta biết 2 nội dung chính về những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Bác.

 

Thứ nhất: Trung ương 6 thông báo lại cho chúng ta biết ngày Bác mất rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 02 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Bác mất trùng ngày quốc khánh của nước ta năm đó, với suy nghĩ để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, vì vậy Bộ chính trị, Ban chấp hành TW 3 đã xin phép được công bố ngày Bác mất chậm 01 ngày (Năm 1969 công bố Bác mất ngày 3/9).

Thứ hai: TW 6 công bố thêm đoạn di chúc Bác dặn về việc riêng viết ngày 15/5/1965 nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 75 như sau: “…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là hỏa táng, tôi mong rằng cách hảo táng dần dần sẽ được phổ biến, vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất, bao giờ ta có nhiều điện thì điện táng còn tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn, gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…”

Dựa theo lời căn dặn của Bác trong di chúc được TW6 công bố tại thông báo số 151 năm 1989, vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày thực hiện di chúc của Người, nhân dân ta đã xin phép được xây dựng ngôi đền thờ Bác trên đỉnh Vua – Núi Ba Vì ở độ cao 1296m.

Đền thờ Bác được đặt hướng chính theo hướng nam, chếch sang đông khoảng 3 đến 5 độ. Đền được khởi công xây dựng ngày 1/3/1999 (tức ngày 14 tháng giêng năm Kỷ Mão), khánh thành ngày 31/8/1999 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Mão) đúng dịp kỷ niệm 30 ngày mất của Bác (theo ngày âm lịch). Ngày khởi công xây dựng có chủ tịch nước Trần Đức Lương về phát động tết trồng cây xuân Kỷ Mão tại VQG Ba Vì, ngày khánh thành có Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các Bộ trưởng, thành viên chính phủ về dự ngày giỗ Bác.

    Đền thờ Bác có diện tích 150 m², kết cấu bằng bê tông xi măng cốt thép, thiết kế theo kiến trúc xà cột, 2 tầng 8 mái đao cong tạo thành thế rất vững chãi. Xung quanh đền được bố trí những băng ghế ngồi bằng gỗ. Bản vẽ thiết kế Đền Bác do kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện – Chủ tịch hội kiến trúc sư Việt Nam cùng thời phê duyệt. Đền thờ Bác Hồ có kiến trúc độc đáo khác biệt so với kiến trúc của các ngôi Đền truyền thống của người Việt, bởi sự kết hợp hài hoà của phong cách kiến trúc cổ đại với hiện đại, phù hợp với lời căn dặn của Bác trong Di chúc là:“… xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để mọi người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…”. Vị trí trung tâm của Đền đặt thờ tượng Bác Hồ, phía sau tượng bác là cờ tổ quốc, phía trước treo bức phù điêu với dòng chữ :” Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”.

Tượng Bác được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất, đồng được lấy trong kho đồng của Bộ Tư lệnh lăng, số đồng này do nhân dân Liên Xô(Liên Bang Nga ngày nay) trao tặng nhân dân ta để làm các công trình trong thời gian xây dựng lăng Bác. Tượng Bác được đúc theo tỉ lệ 1:1, đúng tầm vóc thật của Bác lúc sinh thời và được mô tả phỏng theo bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định, với tư thế Bác ngồi một tay cầm tờ báo nhân dân, một tay cầm cặp kính.

Chính giữa cửa đền đặt phiến đá xanh nguyên khối, phía trong khắc bút tích di chúc của Bác, phía ngoài khắc trích đoạn điếu văn của Ban chấp hành TW3 đọc tại lễ truy điệu Bác năm 1969, đồng thời phiến đã cũng là tấm bình phong che chắn cho ngôi đền, phia trước phiến đá đặt một chiếc trống đồng, phiên bản trống đồng Hy Cương Phú Thọ, có đường kính 79cm (tượng trưng cho 79 năm hưởng thọ của Bác); chiều cao 69cm (để ghi dấu năm 1969 Bác kính yêu của chúng ta không còn nữa).

Phía sau đền có bức phù điêu với biểu tượng trống đồng và bản đồ nước Việt Nam thu nhỏ có gắn chữ nổi bằng đồng, trích câu nói của Bác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “…Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một; Sông có thể cạn; Núi có thể mòn; Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Công trình được giao cho công ty xây lắp các công trình Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và một đơn vị của Bộ Tư lệnh công binh thi công, công trình được thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp, vì vậy nguyên vật liệu xây dựng được vận chuyển hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, một số vật tư nặng, liền khối được Bộ Tư lệnh công binh vận chuyển bằng phương pháp tời trượt trên ray để đưa lên Đền.

Từ khi hoàn thành đến nay, công trình được giao cho lực lượng Kiểm Lâm VQG Ba Vì trực tiếp quản lý và đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày 21 tháng 7 âm lịch, VQG Ba Vì cùng với các cơ quan TW, địa phương, dòng họ nội Nguyễn Sinh, dòng họ ngoại Hoàng Xuân – Nghệ An và nhân dân khắp mọi miền đất nước hội tụ về Đền Bác để tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày giôc Bác.

Công trình đền thờ Bác Hồ tại Đỉnh Vua – Núi Ba Vì thường xuyên được đón các Đ/c lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, qua các thời, các đoàn ngoại giao, các tổ chức Quốc tế đến thăm viếng và khoảng trên 100.000 lượt đồng bào đến viếng Bác mỗi năm. Các đoàn khách đến làm lễ dâng hương được nghe lại giọng Bác đọc tuyên ngôn độc lập năm 1945, nghe lại trích đoạn điếu văn của Ban chấp hành TW3 lời đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác năm 1969, nghe giới thiệu về lý do và quá trình xây dựng đền thờ Bác tại đây.

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại đỉnh Vua, Vườn quốc gia Ba Vì là công trình được xây dựng dựa theo lời căn dặn trong di chúc của Bác và nguyện vọng của nhân dân, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, tổ chức báo công, kết nạp Đảng viên mới của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị…, là điểm đến tham quan mang nhiều ý nghĩa về uống nước nhớ nguồn và phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

Đã trở thành thông lệ, cứ vào dịp giỗ Bác hàng năm (ngày 21/7 âm lịch) đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương, các đơn vị; dòng họ Nguyễn Sinh, dòng họ Hoàng Xuân từ Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An và đông đảo nhân dân khắp mọi miền đất nước cùng hội tụ về Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Vườn quốc gia Ba VÌ tổ chức lê dâng hương cúng giỗ Bác theo phong tục truyền thống, để tri ân công lao trời biển của Bác với dân tộc Việt Nam.

Tháp Báo Thiên

 

 

  • Tháp Báo Thiên hay còn gọi là (Báo Thiên Bảo Tháp) là một công trình tâm linh thờ Phật được xây dựng năm 2010 tại đỉnh Vua – Vườn quốc gia Ba Vì nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, do Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) cung tiến và trực tiếp thi công. Tháp Báo Thiên gồm 13 tầng, cao 26,9m, thiết kế theo 4 phương, 8 hướng trên tổng diện tích sàn 100m2 có cửa chính quay về hướng Nam ghi tên công trình ”Báo thiên Bảo Tháp” và các cửa khác ghi các dòng chữ: Quốc gia hưng thịnh, thế giới hòa bình, và chúng sinh an lạc. Để cầu cho Quốc thái, dân an, thế giới hòa bình.
  • Tầng thứ nhất đặt 03 ban thờ Phật: Ban chính giữa thờ ngôi tam bảo. Xung quanh phía ngoài tháp của tầng thứ nhất đặt thờ 8 vị phật Bát Bộ Kim Cương. Từ tầng thứ 2 đến tầng thứ 11 mỗi tầng thờ 8 vị Phật được đặt theo 8 hướng. Tổng số trên tháp có 88 vị Phật đại diện cho “Vạn Phật” theo kích cỡ khác nhau và được đặt theo xu thế nhỏ dần từ dưới lên.
  • Ban thượng đặt thờ tại tầng thứ 12 của tháp. Ban thượng thường dành cho đại diện các đoàn lên thắp hương để trình báo với Trời – Đất những việc đại sự của đất nước.
  • Tầng thứ 13 của Tháp Báo Thiên được đúc bằng đồng, trên cùng là quả Hồ Lô bằng đồng đỏ có khối lượng khoảng 10 tấn, với ngụ ý quả Hồ Lô là vật thiêng sẽ thu nạp linh khí của trời đất hội tụ về núi tổ.
  • Tháp Báo Thiên tại đỉnh Vua Núi Ba Vì là công trình được đặt ở một vị trí đắc địa, là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất với núi Tản sông Đà và câu truyện truyền thuyết (Sơn Tinh – Thủy Tinh) đã in đậm trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, đồng thời lại được xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại của dân tộc (1.000 năm Thăng Long – Hà Nội). Qua thời gian, công trình Tháp Báo Thiên đã thực sự trở thành điểm văn hóa tâm linh mang nhiều ý nghĩa phục vụ tín ngưỡng của nhân dân cả nước.
  • Vậy nên sau khi hoàn thành nhân dân có câu thơ rằng:
  • “Nghìn năm dựng lại Tháp báo thiên
  • Vút vạch trời xanh ánh Phật thiền
  • Tản Viên non nước vươn mình dậy
  • Ẩn hiện mây Rồng nảy phúc tiên”
  • Công trình được khởi công ngày 13 tháng 09 năm 2010 (Tức ngày 06 tháng 8 năm Canh Dần; Khánh thành ngày 20 tháng 8 năm 2011 (Tức ngày 21 tháng 7 năm Tân Mão). Tháp Báo Thiên có tổng diện tích sàn khoảng 100m2. Tháp gồm 13 tầng, cao 26,9m, thiết kế theo 4 phương, 8 hướng.
    • Hướng về phương Nam: Cửa chính ghi tên công trình “BÁO THIÊN BẢO THÁP”.
    • Hướng về phương Đông: Ghi dòng chữ “QUỐC GIA HƯNG THỊNH” cầu cho đất nước luôn được thịnh vượng.
    • Hướng về phương Bắc: Ghi dòng chữ “THẾ GIỚI HÒA BÌNH” cầu cho các nước trên toàn thế giới luôn được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.
    • Hướng về phương Tây: Ghi dòng chữ “CHÚNG SINH AN LẠC” cầu muôn dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
  • Về bài trí đồ thờ trong tháp:
  • Tầng thứ nhất đặt 03 ban thờ Phật: Ban chính giữa thờ ngôi tam bảo (ban báo); Ban bên trái là ban Tạ; Ban bên phải là ban Cầu. Xung quanh phía ngoài tháp của tầng thứ nhất đặt thờ 8 vị phật Bát Bộ Kim Cương được đúc bằng đồng đỏ liền khối theo 4 phương (Đông – Nam – Tây – Bắc).
  • Từ tầng thứ 2 đến tầng thứ 11 mỗi tầng thờ 8 vị Phật được đặt theo 8 hướng. Tổng số trên tháp có 88 vị Phật đại diện cho “Vạn Phật” được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối theo kích cỡ khác nhau và được đặt theo xu thế nhỏ dần từ dưới lên.
  • Ban thượng đặt thờ tại tầng thứ 12 của tháp. Để đi lên thắp hương trên ban thượng chúng ta phải đi qua 113 bậc cầu thang, ban thượng thường dành cho đại diện các đoàn (khoảng 5 người lên một lần) lên thắp hương để trình báo với Trời – Đất những việc đại sự.
  • Tầng thứ 13 trên cùng của Tháp Báo Thiên được lắp đặt một quả Hồ Lô bằng đồng đỏ có khối lượng khoảng 10 tấn, với ngụ ý quả Hồ Lô là vật thiêng sẽ thu nạp linh khí của trời đất hội tụ về núi tổ.
  • Công trình Tháp Báo Thiên đặt tại đỉnh Vua núi Ba Vì là một công trình tâm linh được xây dựng đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vì vậy các nhà thiết kế có ngụ ý tạo một dấu ấn đặc biệt là ghi lại 10 sự kiện nổi bật nhất của nước ta trong 1.000 năm qua (100 năm chọn một sự kiện) trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…để tạc phù điêu ghi lại trên mỗi tầng tháp (Từ tầng thứ 2 đến tầng thứ 11).Tuy nhiên do thời gian có hạn và nhiều lý do khác nhau mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
  • Tháp Báo Thiên tại đỉnh Vua Núi Ba Vì là công trình được đặt ở một vị trí đắc địa, là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất với núi Tản sông Đà và câu truyện truyền thuyết (Sơn Tinh – Thủy Tinh) đã in đậm trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, đồng thời lại được xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại của dân tộc (1.000 năm Thăng Long – Hà Nội), hợp cùng với sự đóng góp công sức, trí lực và cái tâm của con cháu thời đại Hồ Chí minh, qua thời gian, công trình Tháp Báo Thiên đã thực sự trở thành điểm văn hóa tâm linh mang nhiều ý nghĩa phục vụ tín gưỡng của nhân dân cả nước.
  • Vậy nên sau khi hoàn thành nhân dân có câu thơ rằng:
  • “Nghìn năm dựng lại Tháp báo thiên
  • Vút vạch trời xanh ánh Phật thiền
  • Tản Viên non nước vươn mình dậy
  • Ẩn hiện mây Rồng nảy phúc tiên”
  • Hay: “Đỉnh Vua Tháp dựng lưng trời
  • Nghìn năm hiện lại rạng ngời núi sông
  • Việt Nam đất nước hóa Rồng
  • Non sông hưng thịnh báo công Bác Hồ”.
♦ Add: Tản Lĩnh - Ba Vì - Hà Nội
♦ Hotline: 0966173119
♦ Facebook: Vườn Quốc gia Ba Vì
♦ Email: bavinp.tour@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *