ĐỀN THƯỢNG – CHÍNH CUNG THẦN ĐIỆN THỜ ĐỨC THÁNH TẢN
Đền Thượng còn gọi là Chính cung thần điện, là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Tương truyền ngôi đền cổ được xây dựng từ thời An Dương Vương, nằm dưới một mái núi thắt cổ bồng (gọi là núi Tản Viên). Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có viết: “ Năm 1.142 vào đời Vua Lý Nhân Tông sai thợ xây dựng đền thờ thần núi Tản Viên ở ngọn núi cao nhất, có lầu cao hai mươi tầng. Xem thế đủ thấy vùng đất này là một trong những vùng của miền đất Tổ, núi Ba Vì là Núi Tổ của nước Nam ta”.
Qua thời gian ngôi đền cổ không còn nữa, chỉ còn lại 3 pho tượng và một bát hương cổ được đặt dưới mái núi thắt cổ bồng. Cho đến năm 1993, ngôi đền được trùng tu lại thành một ngôi đền nhỏ tựa lưng vào vách núi. Đến năm 2008 Đền Thượng cùng với đền Trung và đền Hạ được nhà nước công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2010, Thành phố Hà Nội đã khởi công trùng tu lại ngôi đền. Ngôi đền được trùng tu lại vẫn tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi, trang nghiêm và độc đáo, hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng và huyền thoại có từ ngàn đời xưa. Ngôi đền tuy không rộng, những huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.
Đền Thượng chia làm 2 gian: Gian bên ngoài là nhà Đại Bái, gian bên trong là hậu cung.
Gian bên ngoài là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh thường ngày.
Gian bên trong là hậu cung, chính cung là tượng Đức Thánh Tản. Hai bên có 2 tượng là hai người anh em họ của ngài.
Bên tả thờ ba vị là: Bà Đinh Thị Đen là thân mẫu của ngài; Bà Ma Thị Cao Sơn là dưỡng mẫu và Công chúa Ngọc Hoa.
Bên hữu thờ Thái Bạch Kim Tinh, vị thần đã trao cho Đức Thánh Tản chiếc gậy thần để cứu đời.
Cảnh khu đền thờ Đức Thánh Tản Viên nhìn từ trên cao
Phía trên mái đá là những cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi, cành lá gân guốc nhuốm màu rêu phong của thời gian trông tựa như những con rồng đang uốn lượn trên trời xanh vươn mình ra che chở cho cả ngôi đền trước giãi dầu mưa nắng giữa chốn non cao luôn lồng lộng gió thổi, mây giăng.
Cách bên phải ngôi đền hơn 100m, trên vách đá cao du khách còn tận mắt chứng kiến cây bách xanh cổ thụ ngàn năm tuổi được mọc ra từ kẽ nứt trên đỉnh núi thiêng, thân và rễ ôm toàn bộ vào vách đá.
Qua sân đền chính, leo thêm hơn trăm bậc đá nữa du khách sẽ tới điểm cao nhất của đỉnh Tản Viên. Ở đây đặt tượng thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, ban Mẫu địa và ban Bát tiên.
Ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên,ban thờ Mẫu Địa,ban thờ Bát Tiên.
Tượng thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên.
Ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên nằm ở nơi cao nhất của đỉnh Mẫu với độ cao 1227m so với mặt nước biển.
Từ nơi đỉnh cao này du khách có thể phóng tầm mắt ra xa thưởng ngoạn phong cảnh của thiên nhiên trong bầu không khí cực kỳ thanh khiết của núi rừng: Những dải mây như những chiếc khăn voan trắng tung bay trên tấm áo choàng xanh của non ngàn. Màu xanh mượt mà trên cánh đồng ngô uốn lượn theo dòng sông Đà như một dài lụa trắng uốn quanh chân núi Tản… càng tô đẹp thêm cho cảnh vật quanh khu Đền Thượng – Nơi giữ bao ẩn tích gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh…
Một số hình ảnh về lễ hội rước Thánh Tản Viên tại Đền Thượng:
♦ Hotline: 0966173119
♦ Facebook: Vườn Quốc gia Ba Vì
♦ Email: bavinp.tour@gmail.com